Hosting cũng rất quan trọng

Cả tuần trước một thành viên của MMe phải vật lộn với trường hợp một website có quy mô lớn anh đang quản lý bị tấn công liên tục bằng kỹ thuật DDOS (một kỹ thuật dùng rất nhiều máy tính cùng một lúc truy cập vào server chứa website, khiến server không chịu tải nổi và không ai có thể truy cập vào website được).

Mất cả hai ngày nghỉ cuối tuần chỉ để gọi điện thoại khắp nơi từ nhà cung cấp dịch vụ hosting hiện tại đến các giải pháp hosting từ các công ty lớn khác như FPT, VDC. Sau rất nhiều lần gọi điện, email nhờ tư vấn giúp đỡ cuối cùng website cũng tạm phục hồi. Sau sự việc, thành viên này chia sẻ cùng anh em trong công ty bài học như sau:

Khách hàng hoàn toàn không thể xem nhẹ dịch vụ hosting cho website của mình, thường thì khi quyết định thiết kế website đa số chúng ta thường xem nhẹ việc chọn một hosting tốt, chỉ chú ý chọn các gói có chi phí thấp và các con số băng thông càng lớn càng tốt. Thực chất các con số này là không quan trọng lắm đối với các website doanh nghiệp nhỏ. Thay vì vậy, nên đề cao về tính bảo mật và uy tín của nhà cung cấp hosting đó.

Chất lượng dịch vụ là cái cực kỳ quan trọng. Hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ hosting có rất nhiều, trong số đó còn có cả các data center cỡ lớn kèm theo vô số các hạ tầng hoành tráng. Nếu ai cũng có nền tảng tốt như vậy thì điều gì làm nên điểm khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa họ? Câu trả lời nằm ở chất lượng tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật khi có sự cố, đó là điểm mấu chốt để bạn chọn sử dụng dịch vụ. Bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào cũng có thể bị tấn công, quan trọng là cách họ ứng phó và hỗ trợ khách hàng khi nó xảy ra.

Luôn luôn có phương án B, dù nhà cung cấp dịch vụ cho bạn có uy tín đến đâu đi nữa, cũng có lúc họ sẽ phạm sai lầm. Trong những lúc chờ họ khắc phục thì các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có doanh số phụ thuộc lớn vào website không thể chờ vài giờ đồng hồ, huống chi là vài ngày. Vì vậy, hãy luôn sẵn sàng cho mình một phương án để hỗ trợ khi cần. Ví dụ: bạn đừng nên đặt website của mình ở một nơi duy nhất, hãy đặt ở hai nhà cung cấp khác nhau. Nếu kinh phí không cho phép, hãy luôn có một mối quan hệ tốt với một nhà cung cấp thứ 2 để họ có thể hỗ trợ bạn ngay khi cần.

Đừng bao giờ quên kèm theo các điều khoản khắc phục hậu quả cho bạn khi ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ. Ví dụ: nếu website không vào được trong vòng 24h thì nhà cung cấp dịch vụ sẽ có trách nhiệm gì? Nếu việc này xảy ra liên tiếp thì họ sẽ có trách nhiệm gì? Các phương án hỗ trợ khi có sự cố của họ là như thế nào? Và cũng đừng quên luôn có số điện thoại di động của hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho website của bạn để có thể liên lạc ngay khi cần.

Vài kinh nghiệm hy vọng có thể giúp các bạn bảo đảm an toàn hơn cho website của doanh nghiệp mình.

Chia sẻ bài viết